HÓA ĐƠN CÓ GIÁ TRỊ TRÊN 20 TRIỆU PHẢI CHUYỂN KHOẢN???
1. Bên mua không thanh toán bằng tiền mặt với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ trên 20 triệu đồng
Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì khi bên bán xuất hóa đơn đầu ra trên 20 triệu đồng, bên mua sẽ không được thanh toán bằng tiền mặt mà phải sử dụng thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng thì mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Tại Khoản 10, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC có nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính đã đề cập tới vấn đề hóa đơn đầu vào trị giá trên 20 triệu đồng như sau:
“Chỉ áp dụng khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi các hóa đơn có trị giá trên 20 triệu đồng trở lên có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”
Quy định trên không áp dụng với các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Tại Khoản 1, Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC, khi hướng dẫn xác định các khoản chi được khấu trừ, Bộ Tài chính có quy định:
“Các khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần trên 20 triệu đồng (có bao gồm thuế GTGT) phải có chứng cứ thanh toán không dùng tiền mặt thì mới được khấu trừ”
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, bên mua muốn được áp dụng khấu trừ thuế GTGT và được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với các hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng do bên bán xuất thì bên mua bắt buộc không được thanh toán bằng tiền mặt mà phải áp dụng thanh toán qua ngân hàng.
2. Quy định thanh toán với nhiều hóa đơn xuất cùng ngày có tổng trị giá trên 20 triệu đồng
Trường hợp nhiều hóa đơn xuất cùng một ngày, giá trị của mỗi hóa đơn đều dưới 20 triệu đồng, song giá trị tổng của các hóa đơn này lại lớn hơn 20 triệu đồng thì bên bán phải xử lý thế nào? Áp dụng cách thức thanh toán nào mới hợp pháp và đủ điều kiện khấu trừ?
Tại Điều 15, thông tư số 219/2013, Bộ Tài chính đã có quy định:
“Đối với các trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ nhiều lần trong cùng một ngày, dù giá trị của mỗi hóa đơn đều dưới 20 triệu đồng, song nếu giá trị tổng của các hóa đơn lớn hơn 20 triệu đồng thì bên mua chỉ được áp dụng khấu trừ thuế khi có chứng từ thanh toán tại ngân hàng”
Tức là, bên mua muốn được khấu trừ thì không được thanh toán bằng tiền mặt. Trường hợp này thì nhà cung cấp chính là người nộp thuế có mã số thuế, trực tiếp tiến hành kê khai và nộp thuế.
Tại Khoản 1, Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC, Bộ Tài chính có quy định:
“ - Các khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần trị giá từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được hưởng khấu trừ;
- Với các trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà tới thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
- Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì các đơn vị kinh doanh khi mua hàng hóa dịch vụ của một nhà cung cấp, nếu phát sinh nhiều hóa đơn đầu vào xuất cùng một ngày, giá trị mỗi hóa đơn thấp hơn 20 triệu đồng, song giá trị tổng các hóa đơn lại đạt trên 20 triệu đồng thì buộc phải áp dụng thanh toán qua ngân hàng thì mới được hưởng khấu trừ thuế.
Trên đây, bài viết đã hướng dẫn tới quý doanh nghiệp quy định xuất hóa đơn đầu ra trên 20 triệu đồng và cách thức thanh toán để được hưởng khấu trừ.
Mọi thắc mắc hoặc muốn được tư vấn về PHẦN MỀM HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ MYINVOICE hoàn toàn miễn phí, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ theo số Hotline: 0961.980.498